470 likes | 588 Views
Em Tôi. Truyện ngắn: Thiên-Thu Nhạc: Autumn Rose 1 Hình ảnh: Từ Internet Thực hiện: ntth-trn01 - 03-2009. Ngoài tên gọi theo giấy khai sinh của nó ở trường học, ở nhà nó được gọi là “Con leo hoanh”.
E N D
Truyện ngắn: Thiên-Thu Nhạc: Autumn Rose 1 Hình ảnh: Từ Internet Thực hiện: ntth-trn01 - 03-2009
Ngoài tên gọi theo giấy khai sinh của nó ở trường học, ở nhà nó được gọi là “Con leo hoanh”. Tôi không hiểu tại sao nó lại có cái tên gọi quái đản này. Tôi chỉ biết một điều là Bố tôi rất thích cái tên này của nó. Mỗi lần có việc gì cần đến nó là Bố tôi lại gọi to lên: - “Con leo hoanh” của Bố đâu rồi, ra đây Bố bảo cái này.
Và mỗi lần nghe Bố gọi như vậy là thế nào cũng có một đứa trong chị em chúng tôi nhái theo và nhất định phải kéo chữ “này” cuối cùng dài ra thêm vài thước nữa mới chịu thôi. Nhiều lần nghe như vậy, Mẹ tôi đã bực mình hỏi to: - Chúng mày làm cái trò gì vậy? Dĩ nhiên, không bao giờ có câu trả lời và nhanh như cắt, chúng tôi biến mất ngay tức khắc vì sợ Mẹ lại cầm cái quạt phợt cho mỗi đứa vài cái vì cái tội nhái theo Bố. Tuy vậy, không bao giờ chúng tôi quên lẩm bẩm trong miệng: - Rõ ràng là Mẹ cũng thích “Con leo hoanh” của Bố mà.
“Con leo hoanh” của Bố rất xinh. Khi còn bé, nó giống như một con búp bê Nhật. Lúc nó chưa được tròn một tuổi thì gia đình tôi di cư vào Nam.
Mẹ tôi bế nó lên chuyến tàu cuối cùng đem những người miền Bắc, từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn và chính sách cộng sản, vào miền Nam năm 1954. Tôi còn nhớ rất rõ là nó đã khóc thảm thiết khi bà vú nuôi nấng nó từ lúc ra đời trao tay đưa nó cho Mẹ tôi. Nó oằn oại trong hai cánh tay của Mẹ để mong thoát ra, về với bà vú của nó. Còn bà vú của nó thì ôm mặt khóc nức nở cùng với tiếng kêu như chặt đứt từng khúc ruột: - Mợ ơi, đừng bỏ con. Em ơi, em ơi… Mẹ tôi đau lòng lắm, vừa ôm em tôi, vừa đi tới phía trước nhưng vẫn ngoái mắt nhìn lại phía sau, vừa đi vừa năn nỉ trong nước mắt nhạt nhòa: - Đi với chúng tôi đi … Đi với chúng tôi đi …
Đoàn người lũ lượt kéo xuống tàu. Tôi nắm chặt vạt áo của Mẹ vì sợ bị lạc trong đoàn người ồ ạt ấy. Bóng bà vú của em tôi mất dần trong đám người lìa miền Bắc vào Nam Khi chúng tôi đã lọt vào trong lòng con tàu khổng lồ, em tôi thôi không khóc nữa. Nét mặt nó nhợt nhạt. Nó đã ngủ yên trong vòng tay của Mẹ nhưng nước mắt nó vẫn còn đẫm ướt cả hai má và cánh tay áo của Mẹ tôi.
Tôi lúc đó tuy còn nhỏ lắm nhưng cũng đã hiểu một phần nào tại sao em tôi khóc, vì nó không muốn xa bà vú nuôi của nó. Di cư vào Nam, Bố Mẹ tôi bắt đầu tất cả bằng hai bàn tay trắng. Gia đình tôi ở trong một căn nhà nhỏ ở Tân Định và rất nghèo. Chỉ có hai chị lớn được đi học. Còn tôi, hơn năm tuổi thì ở nhà trông em.
Những ngày đầu trong miền Nam, trời nắng như thiêu đốt da người. Em tôi khóc không dứt vì nhớ cái bầu sữa tươi của bà vú nuôi nó. Nó không chịu bú sữa Ông Thọ pha trong bình thủy tinh Purex. Nó cứ khóc da diết cho đến khi mệt lả rồi ngủ thiếp đi. Nhưng chỉ vài ngày sau thì nó đành phải bú sữa bình vì đói quá, không còn đủ sức để khóc nữa. Nhìn nó vừa mân mê cái bình sữa, vừa thổn thức, nhưng vẫn nuốt ừng ực, tôi thấy thương nó vô cùng. Mới chưa được một tuổi mà nó đã phải chịu cảnh chia ly và mất mát to lớn này, bà vú nuôi của nó.
Em tôi lớn lên trong sự thiếu thốn và vất vả của gia đình. Có lẽ tôi là người gần gũi với nó nhiều hơn mọi người khác trong nhà. Buổi sáng, mẹ tôi đi bán hàng vải ngoài chợ, đến chiều mới về. Bố tôi cũng phải đi chạy taxi để kiếm cơm cho cả nhà tám miệng ăn. Hai chị lớn của tôi thì phải đi học. Hôm nào cũng vậy, trước giờ xách cặp đi học ra khỏi nhà, chị tôi cũng phải dặn dò:
- Đúng 2 giờ thì nhớ pha sữa cho em bú nghe chưa. Nhớ ngâm bình sữa vào lu nước lạnh cho sữa nguội bớt đi. Nhỏ sữa vào ngón tay để thử, không được nóng quá, kẻo bỏng miệng của em. Cho em ăn xong rồi ru cho em ngủ. Nhớ chưa? Nhớ không được đi đâu nghe chưa? Phải ngồi bên cạnh võng ru em. Tan học xong chị sẽ về …. Hai chị tôi dặn dò xong là vội vã rời nhà đi nhanh đến trường học. Lúc đó, tôi ghét nhất là phải nghe lại cái điệp khúc này … “nhớ chưa?” … “nghe chưa?”. Hai chị tôi cứ làm như tôi vừa ngu ngơ vừa điếc hay sao nên ngày nào cũng lập đi, lập lại câu này …”nhớ chưa?” … “nghe chưa?”... phát chán.
Tôi ở nhà với hai đứa em. Đứa kế tôi vừa 2 tuổi và “Con leo hoanh”, em út của tôi chưa đầy một năm. Tôi làm theo đúng như lời hai chị đã dặn. Khi em út của tôi bú gần hết bình sữa là tôi bắt đầu ru cho em ngủ. Ngày đó, giọng nói trẻ thơ, Bắc Kỳ con của tôi rất thánh thót và dễ thương. Tôi thuộc nhiều bài hát ru em và ru khá hay, bố mẹ tôi bảo thế, nên hai em tôi ngủ rất ngon vào mỗi buổi trưa. Trong số những bài ru em, tôi thích nhất là bài “Đồng Tiền Vạn Lịch” …
“ Đồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng, Công anh gắn bó với nàng bấy lâu. Bây giờ cô lấy chồng đâu, Để anh giúp đỡ trăm cau nghìn vàng. Năm trăm anh giúp cho nàng, Còn năm trăm nữa giải oan lời thề, Xưa kia nói nói thề thề, Bây giờ bẻ khoá trao chìa cho ai, Bây giờ nàng đã nghe ai, Gặp anh ghé nón chạm vai chẳng chào ... “
Tôi không hiểu tại sao tôi lại thích bài ru em ấy nhất, ngay từ lúc mới hơn năm tuổi. Thật không có gì buồn cười hơn khi nghe một đứa bé hát để ru em với một bài ru đượm màu sắc của tình phụ bạc như vậy. Ấy thế mà tôi cứ ru cho em ngủ mỗi ngày với bài ru đầy trách hờn đó. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn thấy buồn cười ... và vẫn thích bài “Đồng Tiền Vạn Lịch” như ngày xa xưa.
Em tôi lớn lên rồi đi học. Càng lớn, nó càng xinh hơn. Ai nhìn thấy nó cũng phải buột miệng khen “Con bé xinh thật!”. Em tôi hình như có một cái gì đó khiến cho người ta khi đã nhìn thấy nó rồi thì không muốn rời mắt đi nơi khác. Trên gương mặt của nó, với hai con mắt, tuy hơi nhỏ so với chị em trong nhà, nhưng rất sáng và lóng lánh như sao, bên cạnh cái mũi thon nhỏ giống Bố, cái miệng nhỏ với đôi môi đỏ thắm, giống Mẹ, và một làn da trắng mịn như bông bưởi. Gương mặt ấy đã có một sức thu hút người ta ngay từ khi nó còn bé. Ai trông thấy nó cũng bảo nó thật dễ thương. Nhưng có một điều ít ai biết là “Con leo hoanh” khóc rất dai.
Tôi còn nhớ, có một lần chị lớn của tôi hứa làm hộ “Con leo hoanh” bài thủ công khi nó vừa vào trường tiểu học để nộp cho cô giáo. Chị tôi bận học thi nên quên bẵng lời hứa với nó. Đến khi chị chợt nhớ đến thì các hiệu tạp hóa đã đóng cửa, không mua được giấy màu để làm cho nó nộp vào sáng hôm sau. Thế là nó lăn ra khóc òa lên. Nó bắt đầu khóc từ chập tối đến hai ba giờ sáng vẫn còn khóc...
Ban đầu nó khóc to lắm, rồi sau đó, có lẽ vì mệt nên nó khóc nhỏ lại, và cuối cùng thì nó cứ i ỉ kéo dài nhưng lâu lâu nó lại gào lên. Hai tay nó xoắn lấy vạt áo của chị tôi rồi cứ thế mà bắt đền vì đã không làm thủ công hộ nó như lời đã hứa. Cả nhà sốt ruột vì tiếng khóc của nó. Bố tôi bực mình lắm, muốn đánh đòn nó, nhưng khi nhìn lại thấy nó ốm yếu, xanh xao vì khóc nhiều, nên lại bỏ cây roi xuống. Cuối cùng, không ai còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục nghe điệu khóc rả rích của nó nữa nên Bố tôi đã phải nhờ người hàng xóm ở sát vách giả làm ma, trèo qua bức tường thấp ngăn phía sau nhà, thò đầu vào nhát nó ... Bấy giờ nó mới nín hẳn, không khóc nữa và chịu nằm yên.
Từ ngày hôm ấy, cái tên “Con leo hoanh” của nó được gắn thêm bốn chữ nữa là “khóc dai như đỉa”. Nó tức lắm, nhưng chẳng làm gì được ai cả. Nó chỉ còn một cách buộc chúng tôi không thể thêm bốn chữ “khóc dai như đỉa” vào cái tên dễ thương của nó là hễ nó có bánh kẹo hay bất cứ cái gì thì phải cho chúng tôi ăn ké.
Trong số mấy chị em, tôi là con tham ăn nhất. Nó có cái gì, tôi cũng xin. Tôi dùng đủ mọi cách để dụ nó cho ăn ké, chẳng hạn như “Cho chị một miếng đi rồi chị chải tóc đẹp cho” hay là “Cho chị ăn với, chị cắt áo búp bê cho” ...v...v... Khi nghe tôi dụ ngọt như vậy là có cái gì nó cũng cho tôi cắn một miếng: một miếng xoài, một miếng cóc, một miếng ổi. Có khi là một cái kẹo, nửa cái bánh men hình con sâu, hay vài hột lạc luộc ...
Vì tôi khéo tay và khéo miệng nhất nhà nên tôi được ăn của nó nhiều nhất. Ai cũng bảo là nó thương tôi nên cho tôi ăn ké nhiều hơn. Nhưng không ai biết thêm một cái tính quái gở nhất của “Con leo hoanh” là khi nó không vừa ý cái gì, hoặc là tôi làm nó giận ... thế là nó bắt đầu khóc và bắt đầu lải nhải ... đòi lại tất cả. Nào là “Trả cho em miếng xoài em cho chị ăn tuần trước đi”, hay là “Trả cho em một ngụm nước mía chị uống của em hôm qua” ... Cứ mỗi lần nó giở cái trò này ra là tôi lại bị Mẹ mắng cho một trận nên thân ...
Mẹ tôi hay nói “Đúng là ‘Tham thực, cực thân’. Tham ăn cho lắm vào. Phần của mình ăn hết rồi thì thôi, ai bảo xin của nó, để bây giờ nó đòi trả lại. Lớn rồi mà không biết xấu hổ xin ăn của em ...” Thế là tôi phải mổ heo để dành, lấy tiền ra đi mua một quả ổi, một quả cóc, một ly nước mía ... để trả lại cho nó. Nó không lấy nguyên một quả ổi hay một quả cóc, mà nó chỉ cắn đúng một miếng rồi nhả miếng ổi, miếng cóc nó cắn vào thùng rác. Nhiều lần như vậy xảy ra và tôi đã tức đến muốn khóc nhưng chỉ được vài hôm tôi lại quên đi và lại xin của nó để ăn ...
Đến khi “Con leo hoanh” lớn hơn, vào trường trung học, nó lại càng xinh hơn và có phần nào đanh đá hơn một chút. Có một điều lạ là cái đanh đá của nó không làm cho người ta ghét nó mà ngược lại. Đến khi nó lên đệ nhị cấp, có vài thầy giáo thích cái dí dỏm pha chút đanh đá của nó, bạn của nó kể cho tôi nghe, nhưng nó cứ vờ như là không biết ... Ngày cuối tuần, nó đứng bán trong cửa hàng tạp hoá nhỏ của Bố Mẹ tôi, khách hàng rất thích nó. Những thanh niên đến mua hàng hay trêu nó dù nó rất đứng đắn.
Có một lần, một ông khách mua hàng quen, rất thích nó nên hay hỏi hết món này đến món nọ để có thể nói chuyện với nó lâu hơn. Nó tức lắm, không biết nói sao để đuổi khách đi, để còn học bài vì gần đến kỳ thi, nên nó nói bâng quơ: - Trời ơi! Lúc bày ra ở trước mắt thì chẳng có ma nào hỏi, bây giờ dẹp đi chỗ khác rồi, thì lại có người đến hỏi mua ... Người khách trẻ tuổi, đẹp trai và đã thích em tôi từ lâu, nhìn nó tủm tỉm cười: - Ấy thế mới chết chứ, bây giờ thì có “con ma” này đến hỏi mua đây. Lúc ấy, Mẹ tôi đứng trong nhà nhìn ra, nghe nó nói như vậy đã phải lắc đầu nói với tôi: - Con bé này đanh đá thật. Nó đúng là con gái Bắc.
Rồi biến cố ngày 30-04-1975 xảy ra. Sau bốn năm ở lại, tôi quyết định ra đi. Buổi sáng ngày hôm ấy, tôi dậy từ 2 giờ sáng, sửa soạn để đi về miền Tây. Đứa em kế tôi cũng dậy theo để đem túi xách của chị đi trước ra bến xe bằng đường khác. “Con leo hoanh” vẫn nằm im. Tôi ghé mắt lại gần nhìn nó, nó vẫn nằm im. Tôi không biết là nó ngủ say hay vẫn còn giận tôi vì chuyện xảy ra ngày hôm trước...
Chiều hôm qua, khi tôi đi làm về đến nhà, lên phòng của ba chị em ở lầu ba để thay áo, tôi thấy bộ kéo mổ của tôi dùng trong phòng thí nghiệm suốt bốn năm ở đại học bị mở tung ra và để nằm chơ vơ trên mặt bàn. Tôi tức tốc chạy bay xuống bếp, giận dữ hỏi to: - Đứa nào lấy bộ kéo mổ của chị ra mà không để vào chỗ cũ? - Là em ạ. “Con leo hoanh” lên tiếng. Tôi hỏi tiếp: - Để làm gì? - Để em cắt sợi dây vì em lười chạy xuống bếp lấy kéo.
Tôi tức đến độ có thể điên lên đuợc. Trời ơi, bộ kéo mổ của Đức rất đắt tiền của tôi chỉ dùng để mổ trong phòng thí nghiệm mà “Con leo hoanh” dám lấy ra để cắt dây, thật là không thể tha thứ được. Ở trong nhà này, ai cũng biết là tôi rất khó tính.Biết tôi không muốn bất cứ ai đụng đến các dụng cụ dùng để học của tôi. Tôi ghét người nào đụng đến sách vở và đồ đạc của tôi. Đó là điều tối kỵ của tôi. Tôi có thể cho người khác mượn tiền nhưng không bao giờ cho người ta mượn sách hay dụng cụ dùng để học cả. Thế mà hôm nay “Con leo hoanh” dám lấy kéo mổ của tôi ra cắt dây.
Vì vậy mà tôi hét to lên: - Đúng là đồ ngu. Tại sao lại dùng kéo mổ để cắt dây? Có ngu thì cũng ngu vừa vừa thôi chứ ... Sao lại ngu quá như vậy?. Hét xong, tôi tức tối bỏ đi lên phòng. Tôi giận lắm, bỏ cả bữa cơm chiều vì không muốn ngồi chung bàn với “Con leo hoanh”. Tôi mân mê cái kéo mổ, lau chùi cẩn thận rồi xếp vào chỗ cũ. Cứ mỗi lần nhìn thấy bộ kéo mổ này thì vết thương thất bại cũ, thi trượt vào trường y khoa, lại đau nhói lên.
Tôi còn nhớ rất rõ, sau khi biết kết quả thi trượt vào trường thuốc, tôi đã phải đập con heo đất để dành tiền, trút tất cả vào bộ kéo mổ này. Tôi đã nuôi hy vọng là sẽ đỗ vào năm sau ... Nhưng đã có nhiều thay đổi trong tổ chức thi tuyển vào trường y khoa ngay năm sau đó ... Vì vậy tôi đã phải chọn ngành khác và bỏ dở ước mơ của mình. Tuy vậy, tôi vẫn giữ gìn bộ kéo mổ này ... với hy vọng ... một ngày nào đó, tôi có dịp dùng lại nó ... để thực hiện điều tôi mơ ước.
Tôi ngồi bó gối trong phòng vì buồn bực. Khi đồng hồ vừa gõ xong chín tiếng được một lúc thì có tiếng gõ cửa phòng. Tôi đoán là “Con leo hoanh” muốn lên xin lỗi tôi. Tôi không thèm trả lời tiếng gõ cửa. Cửa phòng hé mở, không phải là “Con leo hoanh”. Tôi chồm dậy, mở rộng cửa. Mẹ tôi đi nhanh vào phòng và khép cửa lại ngay. Mẹ kéo tôi lại gần rồi thì thào, vừa đủ nghe bên tai tôi: - Sáng mai con đi sớm. Chỉ được mang theo hai bộ quần áo. Soạn đồ đạc nhanh đi rồi sang phòng Mẹ nghe chưa? Vừa dứt lời, Mẹ tôi vội vã đi ra và đóng sập cửa phòng lại. Tôi quên mất chuyện mình đang tức giận vì “Con leo hoanh” mà thay vào đó bằng một nỗi sợ hãi.
Tay tôi run lên, răng tôi lập cập đánh vào nhau. Tôi tự hỏi “Tại sao lại sớm như vậy?”. Tuy nhiên phải làm gấp để còn sang phòng như lời Mẹ dặn nữa. Tôi xếp nhanh hai bộ quần áo vào túi xách cùng với món đồ kỷ niệm mà tôi quí nhất và vài thứ lặt vặt cần thiết rồi chạy sang phòng của Mẹ. Mẹ tôi như đã chờ đợi giây phút ấy từ lâu. Mẹ dúi vào tay tôi một gói nhỏ, dặn dò: - Phải cẩn thận. Giữ gói này để phòng thân. Đến nơi, con bán đi, lấy tiền mua thức ăn nghe không. Không được cho các em biết chuyện này.Thôi đi ngủ sớm đi. Vừa nói xong, Mẹ đẩy tôi ra khỏi phòng để dấu hai giòng nước mắt đang lăn dài trên má.
Tôi rời khỏi phòng Mẹ mà lòng tôi thắt lại. Tôi nghĩ đến giây phút phải lìa xa gia dinh … Thật đau đớn, đau như ngàn mũi dao nhọn đâm vào tim. Trở về phòng, tôi úp mặt vào hai bàn tay khóc nức nở nhưng chợt nhớ đến lời Mẹ dặn, tôi vội lau nước mắt và lấy chăn trùm kín đầu lại …
Bây giờ, sắp đến lúc phải đi xa, nhìn thấy “Con leo hoanh” vẫn nhắm mắt, chắc là nó vẫn còn giận vì chữ “ngu” tôi đã mắng nó chiều hôm qua. Thôi, để nó ngủ, thế nào cũng có dịp để xin lỗi nó mà…
Còn đầu óc tôi bây giờ thì đầy lo sợ, không biết mọi chuyện có êm xuôi như dự tính hay không … hay lại như lần trước … Hai lần thất bại trở về, “Con leo hoanh” cứ trách là lỗi tại Mẹ vì Mẹ cứ khấn khứa là “Xin Trời Phật phù hộ cho các con của con đi đến nơi, về đến chốn”, nghĩa là trở về lại căn nhà của mình. Thôi, bây giờ thì phải đi ngay, nếu không sẽ trễ chuyến xe đò đi miền Tây vào sáng sớm.
Tôi ra khỏi nhà với hai tay không và leo lên yên xe đạp của người chị cả. Chúng tôi đi ngược đường với đứa em kế và cái túi nhỏ đựng quần áo của tôi, để đánh lạc hướng, nếu bị theo dõi.. Tôi miên man nghĩ đến giây phút sắp tới khi phải đi một mình đến một nơi xa lạ ... Tôi buồn và đau lòng hơn hai mươi lăm năm trước khi nhìn thấy em tôi oằn oại trong tay Mẹ vì phải xa bà vú nuôi của nó… Lần này, ở tuổi ba mươi, chính tôi, một mình, phải bỏ lại tất cả những người thân yêu nhất của tôi để ra đi…!
Tôi đã thoát qua lần đi ấy. Khi cuộc sống ban đầu quá vất vả nơi xứ người, tôi vẫn thường xuyên nhận được thư của “Con leo hoanh” báo cáo tình trạng gia đình bên nhà. Nhưng ngày đó, tôi thật vô tình, chỉ để tâm vào chuyện “đại sự” là việc bảo lãnh gia đình nên tôi chưa một lần viết thư xin lỗi em tôi vì đã mắng nó là “ngu” cả. Lúc ấy, ở đây, ngôn ngữ là trở ngại lớn nhất của tôi. Tôi chỉ đủ sức để nhồi nhét Anh văn vào đầu và để làm việc mà thôi … Tôi không còn nhớ đến bất cứ chuyện nào khác cả. Tôi mong thời gian qua mau, để có thể bảo lãnh gia đình sau một năm sống ở đây như điều kiện đòi hỏi.
Hơn sáu tháng sau, tôi được tin là Mẹ tôi đã cho “Con leo hoanh” đi học cùng lúc với người bác sĩ thương nó. Cả hai đã được sự đồng ý của cha mẹ … nhưng em tôi không chịu đi chung tàu với người yêu nó mà chọn đi chung với một đứa em trai khác của tôi …
Bây giờ là tháng mười. Trời Canada vào mùa Thu thật đẹp. Lá đỏ, lá vàng lẫn với lá xanh của thông và trắc bá diệp tạo thành một bức tranh khó mà diễn tả trọn vẹn nét đẹp của nó. Ngoài màu sắc đặc biệt của mùa Thu, trong nắng vàng ấm, trong gió nhè nhẹ thổi, vài chiếc lá bay bay trong gió … càng làm cho phong cảnh của mùa Thu thêm phần quyến rũ và làm xao xuyến lòng người xa xứ. Riêng với tôi, mùa Thu còn mang nhiều kỷ niệm đặc biệt ...
Đi trên con đường mòn nhỏ hẹp, tắm trong nắng vàng của buổi chiều Thu, đạp trên lá vàng xào xạc dưới chân, nhìn lá vàng bay phất phới trong gió hiu hiu … Cả một quãng đời sống bên gia đình và các em của tôi từ từ quay lại. Tôi lại nhớ đến cái túi xách tay đựng quần áo và vật kỷ niệm mà đứa em kế tôi gửi người ta trao lại cho tôi, nhưng họ đã lừa gạt nó. Túi xách không đến tay tôi nên Mẹ tôi cứ trách nó nhiều lần. Mỗi lần viết thư cho tôi, nó đều hối hận và nhắc đến chuyện mất mát này.
Tôi lạinghĩ đếnbộ kéo mổ và nhữnglời nhiếcmắngthậm tệ của tôi … Tôi nhớđến đứaem này nhiều hơn ... “Con leohoanh”đã đi xa nhà lúc vừa 27 tuổi. Nó đã không maymắn đến được nơi nó mong muốn đến … Nhưng nó cũng không may mắn được trở về quê hương nơi nó ra đời.. Con tàusắt MH2020mang theo nhiều người Việt Nam khác và em tôi đã đi và không bao giờ trở lại. Đại dương mênh mông đã tàn nhẫn cướp mất “Con leo hoanh”, em của tôi.
Hai mươi tám năm qua đi, tôi vẫn sống trong hối hận, nuối tiếc, và ray rứt khôn nguôi. Tôi hối hận vì đã không ngăn được sự nóng giận của mình. Chỉ vì một vật vô tri vô giác, một bộ kéo mổ - cho dù là đắt tiền, tôi đã tức giận và mắng em tôi xối xả là “đồ ngu”, rồi còn hằn học giáng thêm một câu cuối cho thỏa mãn lòng hậm hực của mình là “ngu vừa vừa thôi chứ”.
Tôi sống trong nuối tiếc vì đã không đánh thức “Con leo hoanh” dậy trước khi ra đi. Tôi bị lương tâm ray rứt từ ngày này qua ngày nọ vì đã không nói được một lời xin lỗi với em tôi. Tôi thắc mắc mãi là sau lúc tôi rời khỏi căn phòng của ba chị em, nếu nó còn thức - nhưng vì giận lẩy không chịu mở mắt, không biết nó có khóc khi biết tôi đi mà không nói lời nào với nó hay không?!
Nghĩ đến đây, nước mắt tôi lại tuôn ra. Tôi ngồi xuống cạnh một gốc cây chỉ còn trơ cành và một nhúm lá vàng uá còn sót lại. Ánh nắng yếu ớt của buổi chiều Thu chiếu trên những chiếc lá khô đã rụng càng khiến lòng tôi tan nát thêm. Tôi mân mê chiếc nhẫn có quả cầu nhỏ trên ngón tay áp út. Đây là kỷ vật cuối cùng của em tôi để lại trước khi ra đi. Mẹ tôi bảo nó dặn phải đưa đến tận tay tôi để thay cho một lời xin lỗi vì đã lấy kéo mổ của tôi ra cắt dây. Tôi nhìn chiếc nhẫn như thấy bóng dáng em tôi…
Hai giòng nước mắt hối hận và nuối tiếc lăn dài trên má. Tôi đưa hai bàn tay lên ôm lấy mặt mình. Nước mắt luồn qua kẽ hở giữa các ngón tay, chảy vòng theo chiếc nhẫn em tôi để lại. Tim tôi nhói đau như có trăm ngàn mũi dao nhọn đâm vào. Tôi vẫn còn đây! Chiếc nhẫn của em tôi vẫn còn đây, nằm êm ả trên ngón tay tôi để nhắc nhở tôi lời xin lỗi của nó! Còn tôi, tôi đã hoàn toàn mất đi cơ hội xin lỗi em tôi trong cuộc đời này vì nó không còn nữa! Tôi nhìn quả cầu nhỏ của chiếc nhẫn như muốn hỏi “Em đang ở đâu trên trái đất này?”.
Không gian hoàn toàn yên lặng, chỉ có tiếng xào xạc của những chiếc lá bay là đà trên con đường mòn. Thỉnh thoảng có tiếng chim chuyền cành ríu rít gọi nhau. Nắng Thu đã nhạt dần. Tôi đứng lên, lững thững quay về trên con đường mòn ngập lá vàng khô. Một chiếc lá rơi xuống và vướng trên tóc tôi. Tôi cầm chiếc lá vàng nhạt trong tay, hôn nhẹ lên quả cầu nhỏ của chiếc nhẫn và gọi khẽ “Em ơi!”.
Hôm nay là ngày em tôi, “Con leo hoanh”, ra đời đúng năm mươi lăm năm về trước! 05-10-2008
T Ạ M B I Ệ T … Em Tôi...