400 likes | 573 Views
Đoạn Trường Ai Có Qua Cầu Mới Hay. Đoạn Trường Ai Có Qua Cầu Mới Hay. Nguyên Nhung thực hiện. Truyện Nguyên Nhung. Đoạn Trường Ai Có Qua Cầu Mới Hay NGUYÊN NHUNG.
E N D
Đoạn Trường Ai Có Qua Cầu Mới Hay ... Đoạn Trường Ai Có Qua Cầu Mới Hay ... Nguyên Nhung thực hiện Truyện Nguyên Nhung
Đoạn Trường Ai Có Qua Cầu Mới Hay NGUYÊN NHUNG Có thể nói “ ngày em lên xe hoa, rượu nồng và pháo cưới”, là ngày ấy tôi đã bước ngay vào nỗi đoạn trường, chiến đấu với cả một binh đoàn bóng hồng thầm lặng, vẫn rình rập quanh anh chồng “pilot” hào hoa của tôi, chỉ bay bổng và tán gái là giỏi nhất thế giới. Nguyên Nhung thực hiện
Lấy nhau rồi, tôi mới thấy hai câu thơ: “ Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở, đời hết vui khi đã vẹn câu thề”, chưa bao giờ lại đúng đến thế. Nhà thơ ấy chắc cũng phải kinh nghiệm đầy mình mới làm được hai câu thơ bất hủ để đời cho nhân thế. Ngày xưa ấy sao anh hiền ghê? Lúc gặp tôi, không thấy anh đàn đúm bạn bè,( sau này tôi mới biết anh thủ, sợ dẫn bạn theo nó tán mất). Thỉnh thoảng có nhậu nhẹt vui anh, vui em, lai rai vài chung rượu, dăm chai bia, anh “pilot” nhà tôi còn có thú xính văn chương và mê các em gái hậu phương, hai thứ này lại sát cánh bên nhau như chim liền cánh, như cây liền cành.
Có lẽ tôi dính với chàng cũng bởi cái tính thích “ngây với gió và thơ thẩn cùng mây” mà nên tội. Thuở ban đầu sao thơ mộng thế? Cứ tưởng tượng những món chàng định tặng cho tôi là đã thấy toàn những thứ trên đời này không có, nào là mây trắng để đan áo mùa đông, nào là những vị sao lung linh trên nền trời nhung thẫm. . . Rồi vì chẳng bao giờ đem về được, nên tôi thường chỉ được hưởng chút mây trời qua khói thuốc, khói với mây thì khác gì nhau, khi yêu quá hóa mắt mờ, tôi chả bao giờ thắc mắc về những thứ mây bay với trăng sao của chàng, như bài thơ chàng tặng tôi ngày xưa.
Bài thơ ấy sau này khi lấy chàng, lúc vớ được vài lá thư khác của chàng viết cho “người ta”, tôi mới biết là một trong những thứ “bùa yêu” để chàng tán tỉnh các em gái hậu phương: “ Thôi đừng giận nếu chiều em có đến, Có đợi chờ nơi ghế đá công viên, Nhìn từng chuyến xe đi, về qua phố, Trách một người rồi chẳng muốn gọi tên, Thôi đừng giận nếu chiều nay ngoài phố, Ðã dập dìu bao tài tử giai nhân Anh đêm này còn phi vụ hành quân Không về được đừng buồn em yêu nhé!
Thôi đừng giận, đừng thở dài khe khẽ, Mai mốt về anh hứa sẽ đền em, Ngàn vì sao lấp lánh của trời đêm, Và câu hứa trọn đời yêu em mãi.” Những vần thơ tình tứ thủ thỉ nhỏ to như vậy, hỏi làm sao mà lũ con gái tụi tôi lại không "chết ở trong lòng một tý". Ôi giời! Sau này mới nghĩ ra toàn những món của trời mà chàng dư sức tặng cho tất cả giai nhân trên cõi đời này, vừa “romantic” lại không mất tiền mua, (tiền còn đâu mà mua, tháng tháng mụ béo ở Câu Lạc Bộ đã xiết chặt cái sổ lương).
Tôi cũng không khỏi cảm phục chàng, nghèo kiết thế mà khi yêu chàng vẫn can đảm mang tôi về ở chung một nhà, ngủ chung một giường, ăn chung một niêu. . . Cứ xem ra không ai hạnh phúc bằng ngày hai đứa về với nhau. Chàng lương bổng chẳng bao nhiêu, tôi học trò vốn liếng chẳng có, đồ đạc là hai chiếc va ly, nồi ơ bát đĩa đã có lũ bạn yểm trợ hôm đám cưới, căn phòng bé tí tẹo đủ kê một cái giường, cái bàn ăn cơm, cái kệ sách và một chỗ để làm bếp.
Phòng vừa để ngủ vừa nấu nướng, cho nên lúc thoang thoảng mùi nước hoa, lúc phảng phất mùi nước mắm, hai vợ chồng son khi đang yêu nhau, dẫu mùi vị chẳng lấy gì là thơm tho vẫn cứ thấy hạnh phúc. Sau này, khi cho ra đời hai tý nhau, tôi mới chán chường cho cái văn chương thơ thẩn của chàng,(và cả của tôi nữa). Nếu không có nghề lính đính kèm, có lẽ suốt đời chỉ ăn gạo luộc chấm nước mắm (nói theo văn chương của một anh Không Quân).
Ngoài chuyện bay bổng, anh "pilot" nhà tôi hình như không muốn động đậy một thứ gì trong nhà, kể cả những khi vợ bận túi bụi, con khóc lòi rốn ra thì anh cũng cười, để thằng nhỏ khóc cho khỏe người, nở phổi. Thỉnh thoảng ống nước chảy, điện bị đứt cầu chì, chàng cứ tỉnh bơ như là chuyện nhà hàng xóm, nếu lúc ấy chàng đang mải đọc truyện, làm thơ, đừng hòng chàng nhúc nhích, sợ mất đi nguồn cảm hứng.
Nhà có dư đồng nào chàng cúng vào mấy tiệm sách, trong nhà toàn những sách và báo, thơ, nhạc. . .Không có gì để chơi, hai thằng cu nhà tôi lục lọi tìm giấy để xếp máy bay, bèn bị bố cho ăn mấy bạt tai sưng cả mặt, chưa kể chàng không tiếc lời nhiếc móc “con hư tại mẹ”. Trời ơi là trời, ai ngờ lại có lúc nên nông nỗi này, ai nói chuyện văn chương, sách vở, chàng nhớ như in, cuốn nào , chương mấy, giòng nào chàng như khắc vào bụng, còn chuyện mua sữa cho con chàng quên tiệt, có cái đám cưới phải mừng chàng không nhớ, giờ chót đóng bộ xong, phải chạy vội về nhà cầu cứu mẹ vợ.
Giá chàng tiết giảm được thứ văn chương vớ vẩn có phải đời tôi đã đỡ khổ. . . Khi tôi nhếch nhác với hai thằng cu lớn, cu bé, chàng vẫn thong thả để lòng thênh thang với các em gái hậu phương. Bao nhiêu thứ thơ thẩn văn chương đẹp đẽ chàng để đâu mất biệt, lúc luẩn quẩn ở nhà chàng cứ ư ử câu ca dao: “ Em như cơm nguội dành khi đói lòng” Chao ơi! Tức đến chảy nước mắt, tức đến nghẹt thở mà chết, nhưng ngay cả thì giờ để cãi nhau với chàng cũng không có.
Mấy thau quần áo dơ, chậu bát đĩa bẩn, hai thằng ranh con nghịch ngợm như bố hồi còn bé, tôi ngậm đắng nuốt cay làm thứ cơm nguội cho chàng đỡ lòng khi bị em gái hậu phương cho leo cây. Khi không còn tìm được nguồn cảm hứng ở vợ con, chàng đi tìm nguồn hứng khởi ở các em mới nhớn, đang thơ thẩn mộng mơ, nhác thấy mấy anh “áo liền quần” là tim đã đập loạn xạ lên, dạo ấy các anh phi công đang là thần tượng của liền bà con gái.
Trong đám “quần hồng” ấy, có mấy em sinh viên, thích thuyết hiện sinh, thích vẻ phiêu bạt giang hồ của chàng phi công, thêm nét hào hùng của chàng trai thời loạn, cái ấy anh nhà tôi có đủ. Khi cần một chút nghệ sĩ cho thêm phần trình diễn, đôi mắt anh cứ " lơ tơ mơ" theo kiểu " em là gái trong song cửa, anh là mây bốn phương giời", các em mê anh "pilot" nhà tôi như điếu đổ.
Cứ phân tích thành phần “em gái” bao quanh chàng, anh "pilot" nhà tôi phải đóng nhiều vai lắm. Lúc thủ ông chú hờ để dỗ dành cô cháu gái hay hờn, khi lại làm ông anh ruột “dư” để tâm tình thủ thỉ, còn với các nàng cao cấp trí thức hơn, chàng rất thần tình qua vai chàng trẻ tuổi học thức, văn nghệ, chinh phục nội tâm, rất cao ngạo để rồi cũng hết sức khả ái khi cá đã cắn câu.
Bao nhiêu đường đi nước bước, cũng như bí kíp của chàng tôi thuộc hết, từ chuyện vặt như tháo nhẫn hong tay ra nắng, cho phai đi dấu tích anh đàn ông có vợ, rồi về nhà nói vu vơ với vợ chuyện vướng tay để tháo chiếc nhẫn cưới, tôi đã đi guốc vào bụng chàng. Tôi còn biết đánh hơi từng mùi nước hoa thoang thoảng trên áo chàng, (chàng nói dối phải trực hành quân), để đánh giá đối thủ, hạng bình dân hay mấy em cao cấp, hòng đối phó trong tình trạng khẩn cấp. Lắm khi tôi cũng buồn tôi lắm, nhưng “ gặp thời thế, thế thì phải thế”, chứ tôi có muốn đồng hóa mình với Hoạn Thư đâu.
Có điều anh "pilot" nhà tôi đi đâu thì đi, tán ai thì tán, vẫn ít khi bỏ cơm nhà, quà vợ. Khi biệt phái xa nhà, từ xa xôi chàng vẫn gọi điện thoại về tình nghĩa ân cần lắm: “ Cho anh nghe thằng cu nó khóc một tý, gớm, sao nhớ thế không biết.” “ Chỉ nhớ thằng cu thôi à?” Tôi hờn giỗi nhắc chàng. Bên kia đầu giây, anh "pilot" nhà tôi ngọt như mía lùi: “ Nhớ “ mẹ thằng cu” lắm, thằng cu chỉ ưa phá đám thôi”.
Không biết chàng có nhớ thật hay không, nhưng chỉ bấy nhiêu cũng làm tôi quên hết , không còn giận hờn anh chồng tài xế máy bay của mình. Ông xếp lớn của chàng, lúc đang dung dăng với đào, vợ xuống thăm còn hùng dũng đuổi về vì bận phi vụ hành quân, xem ra anh chồng tôi còn khá hơn khi chưa đủ can đảm hắt hủi vợ. Khi đi xa về, anh "pilot" quần áo tóc tai bơ phờ, bao giờ cũng xách theo hũ mắm Châu Ðốc, bưởi Biên Hòa, sò huyết Rạch Giá, toàn những món tôi thích, cho nên cũng chả muốn truy tìm cái sợi dây chuyền đeo trên cổ anh có cài vành móng ngựa ở đâu mà có.
Món quà tình yêu này chắc có phần linh ứng với số phận của chàng, nên vì thế sau ngày 30 tháng tư, chàng lãnh đủ bảy năm trong tù Cộng Sản, lúc ấy không thấy có em gái hậu phương nào xách túi thăm nuôi cho trọn tình trọn nghĩa. Lính Không Quân chỉ biệt phái xa nhà lâu lắm là dăm bữa, nửa tháng, đâu có hành quân mút mùa lệ thủy như binh chủng bạn, vậy mà cứ sểnh ra là chàng có mèo. Lúc nào nhìn mặt chàng cũng như tương tư ai.
Dạo quen nhau tôi rất ưa cái kiểu nhìn lãng đãng như thế, nhưng bây giờ thì thấy khó chịu lắm. Ở nhà, không đùa với con chàng cũng giỡn với mèo,(mèo bốn chân), chắc là khi vuốt ve mèo này chàng lại nhớ mèo kia, vì cả hai đứa chúng nó cùng mềm mại giống nhau. Có lần lúc bỏ đồ giặt, chàng bỏ quên lá thư tình trong túi áo bay( áo bay nhiều túi lắm, nên sơ hở cũng phải). Lúc bị cật vấn, mặt chàng cứ ngớ trông rất tội.
À, thì ra là thư của cô cháu gái, hai giờ sáng không ngủ được bò dậy viết thư cho chú, kể chuyện vu vơ về trăng, về sao, về gió, về âm thanh con tàu rù rì trên không gian, toàn những thứ có liên quan, dính dáng đến vùng trời của chàng. Chém chết thì anh "pilot" nhà tôi cũng đã từng tặng người ta bài thơ “mây trời và sao đêm”, toàn những thứ không mất tiền mua mà cũng không mang về được.
Khi bắt gặp quả tang chàng hết đường chối, thề sống thề chết là có tán tỉnh ai đâu, đấy là cháu nó “tán” đấy chứ, có gì mà đã ghen ( thật oan ơi ông Ðịa). Sống với chàng, cứ ghen thật, ghen bóng, ghen gió cũng đủ ốm người mà phai tàn nhan sắc. Lắm lúc tôi ước mình thành Hoạn Thư, thiến phăng cái “của nợ” cho chàng hết “vác súng” đi mây về gió, nhưng nhìn quanh thì bạn bè chàng ông nào cũng rứa, thời buổi chiến tranh, thần chết hằng ngày nuốt trững đi bao nhiêu thế hệ thanh niên, cuộc đời nay sống mai chết có gì vui ngoài trò chơi súng đạn.
Tội nghiệp anh "pilot" hằng ngày phải đối diện với bao nguy hiểm, lắm khi bay bổng vào vùng trời lửa đạn, về nhà ngậm thin thít không hở miệng than van, sợ vợ buồn. Ðược cái, lúc con nóng sốt co giật, lúc vợ ốm không làm được việc nhà, chàng hùng dũng đi chợ, nấu cơm, đổ bô, rửa đít cho con, để rồi khi thấy cả nhà tỉnh táo, chàng lại phây phả thả hồn đi tám phương, bốn hướng.
Bây giờ, tuổi đã về chiều, đầu đã hai thứ tóc, mấy thằng cu con lủng lớn xộn cả rồi, lúc này tôi có là “cơm nguội” thì chắc gì chàng đã nhai nổi. Chàng nay như con chim già mỏi cánh, thấy trời xanh cũng muốn rụng rời, thú vui “tiền tuyến, hậu phương” năm xưa cũng hết, những lúc buồn tình chàng gọi phôn tán gẫu với bạn bè, rình rình cà khịa với con vợ già cho đời đỡ tẻ lạnh.
Không ngờ, nay về già anh "pilot" nhà tôi ngủ ngáy khiếp quá. Tôi tưởng chỉ có mình “ ổng”, ai ngờ hôm có mấy ông bạn xa về chơi, ba ông rủ nhau nhậu nhẹt , tâm sự chuyện xưa, chuyện nay, hồi tưởng những ngày ở Quân trường cho đến lúc ra đơn vị, bạn bè kẻ còn người mất, sau đó ba chàng phi công năm xưa lăn ra ngáy như sấm. Ðêm khuya thanh vắng, ba cái máy cưa xả hết "volume", nghe như âm thanh máy bay vang vọng trên bầu trời chinh chiến thuở nào.
Lúc thì vút lên như máy bay phản lực bắt đầu cất cánh rời phi đạo, lúc cành cạch như cánh quạt trực thăng, lúc rù rì như Lan 19 tuổi. Cả ba âm thanh hòa nhịp vào nhau giữa đêm khuya thanh vắng, nghe như một buổi hòa nhạc, lúc lại giống như cuộc phối trí hành quân khi chiến trường sôi động, giá đêm hôm ấy anh phóng viên cần tường thuật ký sự chiến trường, dư sức viết một bài thật hấp dẫn.
Cái vụ ngáy của anh "pilot" già nhà tôi cũng là một trong những nguyên nhân mà tại sao lúc già người ta hay cãi nhau, đay nghiến nhau và cả bỏ nhau nữa. Ðêm đêm, vừa yên giấc điệp là cung đàn muôn điệu lại vẳng lên réo rắt, tôi tức mình huých vào đương sự như có ý bảo vặn nhỏ "volume" lại, ông ấy lại tưởng mình bắt ăn “cơm nguội” nên càu nhàu: “Làm cái gì thế? Ðêm hôm khuya khoắt không để cho người ta ngủ.” “Ngáy gì mà ngáy dữ vậy?” Tôi gắt, “ Nhỏ nhỏ cho người ta ngủ, hay là anh bị bệnh đường hô hấp, mai đi lão bác sĩ tai, mũi, họng, xem có cục thịt dư nào không?”
“ Dư cái con khỉ”, chàng cáu, “ ngủ ai chả ngáy, chỉ lắm chuyện”. Tự nhiên tức không chịu được, tôi mỉa mai: “ Ngày xưa mà ngáy như thế, ai người ta thèm lấy” Chàng đốp chát ngay: “ Thế mà khối em thèm, cũng khối người cứ lồng lộn lên” Cứ cãi mãi thế này tôi thua là cái chắc. Tôi ra điều kiện: “ Thôi, mai kiếm cái phòng ngủ riêng, cứ thế này tôi cũng chết”.
Chàng pilot già hùng dũng ngồi lên, giọng nghe có mùi cay đắng gớm: “ Phải rồi, nay chim già mỏi cánh nên ai cũng chê, giá bây giờ còn là ông tướng, ông tá, có ngáy mấy cũng không thấy ai than thở”. Lại cái bệnh trầm kha mặc cảm, hoài niệm dĩ vãng, không bao giờ chịu nhận là mình mỏi cánh thật rồi. Tôi bực mình ôm gối mền ra "sofa", vậy là yên, không thì cãi nhau đến sáng.
Lạ quá, tự nhiên để chàng ngủ một mình thì không nghe ngáy ngó gì cả, im lặng một cách khác thường, im đến nỗi nghe được cả tiếng lá lăn tròn trên mặt đường. Bây giờ lại đâm mất ngủ vì không nghe tiếng ngáy của “Người”. Bụng nghĩ dại, lỡ chàng tự ái, giận hờn, nín thở luôn thì có phải mình là kẻ ích kỷ, vợ chồng sống đến chừng này tuổi, trải qua bao vinh nhục có nhau, nay về già lại xa nhau vì tiếng ngáy. Lò mò, nghe ngóng, không biết anh "pilot" già ngủ hay thức mà không nghe âm thanh trầm bổng gì cả, lỡ có chuyện gì. . . . thật ân hận. . . .đến suốt đời.
Hôm trước, chỉ ca cẩm có thế mà lũ con đã nhâu nhâu vào bênh bố, nay có chuyện gì chắc khổ cả đời. Ðành bò vào sờ xoạng xem sao? Lạ thật, cứ im như tờ, không nghe trở mình trở mẩy, lăn lộn như mọi khi. Lòng dạ lại rối bời vì lo, ngáy cũng khổ mà không ngáy cũng khổ. Vừa đưa tay sờ thử vào người ổng, bỗng giật thót cả người vì đã bị chàng tóm được rồi ôm chặt lấy: “ Không có em anh cũng không ngủ được, có ngủ đâu mà ngáy hở cưng?” NGUYÊN NHUNG
hihihi!!! hahaha!!! huhuhu!!!